Chế độ ăn uống lành mạnh hiện nay đang tập trung vào sử dụng thực phẩm thực vật thay cho nguồn thịt động vật thường thấy. Do đó dinh dưỡng thực vật là một trong những điều mà người dùng bắt buộc phải quan tâm nếu muốn đảm bảo sức khỏe và năng lượng hàng ngày. Vậy trong thực vật có các loại dinh dưỡng nào và sử dụng thực phẩm thực vật mang đến lợi ích gì? Câu trả lời có trong bài viết dưới đây.
Dinh dưỡng thực vật cần thiết cho hoạt động sống của cơ thể
1. Lợi ích khi sử dụng thực phẩm thực vật
Thực phẩm thực vật mang đến vô vàn lợi ích thiết thực về sức khỏe tổng quát của con người.
-
Nguồn đạm từ thực vật giúp làm giảm cholesterol xấu, giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch, tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường...
-
Thanh lọc cơ thể, thúc đẩy loại bỏ những chất độc hại ra bên ngoài, giảm mỡ máu, mỡ gan.
-
Cung cấp nguồn chất xơ tốt, tăng cường nhuận tràng, cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hóa.
-
Tăng cường sức khỏe tổng thể.
-
Giữ gìn vóc dáng thon gọn, không mỡ thừa.
-
Hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì.
Thực phẩm từ thực vật giúp cải thiện sức khỏe tổng thể
2. Các loại dinh dưỡng thực vật
Có thể bạn chưa biết, thực phẩm thực vật chứa nguồn dinh dưỡng khổng lồ, con số mà các nhà khoa học nghiên cứu được là hơn 25.000 dưỡng chất. Chúng bao gồm các loại vitamin, axit amin, khoáng chất, nguyên tố vi lượng, chất chống oxy hóa… Trong đó có 6 loại dinh dưỡng thực vật chính tác động mạnh mẽ đến sức khỏe chúng ta.
2.1. Carotenoid
Carotenoid là một chất chống oxy mạnh, chúng cũng là chất tạo ra sắc tố vàng, đỏ, cam trong các loại rau củ quả chúng ta thường thấy.
Carotenoid có đến 600 loại khác nhau nhưng về cơ bản chúng chia ra làm 2 nhóm chính gồm Xanthophylls và Carotenes. Một số loại Carotenoid có khả năng chuyển hóa thành Vitamin A như là alpha-carotene, beta-carotene và beta-cryptoxanthin.
Carotenoid giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, chống oxy hóa bảo vệ các tế bào và tăng cường sức khỏe cho mắt. Một số loại thực vật giàu Carotenoid là cà rốt, cà chua, bí ngô, ớt đỏ, dưa hấu…
2.2. Flavonoid
Nhắc đến dinh dưỡng thực vật không thể bỏ qua Flavonoid. Đây cũng là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ và có nhiều trong thực phẩm thực vật. Ước tính có đến hơn 6000 Flavonoid đã được tìm thấy.
Flavonoid có công dụng điều chỉnh hoạt động của tế bào, ức chế các gốc tự do gây hại, loại bỏ phản ứng viêm và giảm nguy cơ mắc phải nhiều căn bệnh mãn tính trong đó có ung thư. Những loại thực vật rất giàu Flavonoid mà bạn có thể tham khảo là trà xanh, cam quýt, táo, cải xoăn, hành…
Flavonoid có nhiều trong các loại thực vật thường gặp
2.3. Resveratrol
Resveratrol là một hoạt chất thuộc trong nhóm hợp chất Polyphenol, được tìm thấy rất nhiều trong vỏ nho, nước ép nho, vỏ lạc và một số loại quả mọng khác…
Resveratrol mang đến rất nhiều công dụng cho sức khỏe, điển hình là chống oxy hóa, giảm viêm, giảm hàm lượng cholesterol xấu cho cơ thể. Hoạt chất này cũng được cho là ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, ung thư, mỡ nội tạng…
2.4. Axit ellagic
Axit ellagic cũng thuộc nhóm chất Polyphenol, hoạt động như một chất chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do, bảo vệ tế bào khỏi tác nhân gây hại và chống phản ứng gây viêm của cơ thể. Một trong những công dụng nổi tiếng nhất của Axit ellagic là chống ung thư và ngăn ngừa các tế bào ung thư nhân rộng.
Ngoài ra Axit ellagic còn hỗ trợ làm đẹp da, làm chậm các dấu hiệu lão hóa. Axit ellagic có nhiều trong các loại quả mọng như dâu tây, quả lựu, mâm xôi, nho, táo…
2.5. Glucosinolates
Bạn có để ý các loại rau xanh như bắp cải, cải xoăn, cải xanh có vị đắng nhẹ không? Vị đắng đó được tạo ra từ hoạt chất có tên Glucosinolates. Trên thực tế Glucosinolates tồn tại cả 2 mặt tốt và xấu. Nếu sử dụng vừa đủ thì chúng có tác dụng chống lại các tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển và lây lan của khối u.
2.6. Phytoestrogen
Phytoestrogen là một hoạt chất rất tốt cho phụ nữ vì chúng có tác dụng tương tự như estrogen. Phytoestrogen giúp ngăn ngừa ung thư vú, cân bằng nội tiết, ngăn ngừa loãng xương và tăng cường sức khỏe tim mạch.
Có thể bổ sung Phytoestrogen từ các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như đậu nành, đậu hũ, đậu xanh, khoai mỡ, đậu lăng…
Đậu hũ, đậu nành là những thực phẩm giàu Phytoestrogen
Các loại thực vật mà chúng ta sử dụng hàng ngày chứa nguồn dưỡng chất dồi dào, đặc biệt tốt cho cơ thể hơn thịt động vật rất nhiều. Tuy nhiên cần kết hợp đa dạng các loại thực phẩm và tính toán lượng dinh dưỡng thực vật phù hợp để cơ thể tiếp nạp đủ lượng chất cần thiết, đảm bảo duy trì sức khỏe và hoạt động hàng ngày. Trong những bài viết sau chúng tôi sẽ đề cập đến việc sử dụng và chế biến thực phẩm thực vật sao cho đúng cách và đủ chất. Bạn hãy đón đọc nhé.